Lượt xem: 369

Tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 được soạn thảo đến lần thứ 7 và đăng tải trên các phương tiện truyền thông để xin ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Cộng tác viên Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Tăng Nô (ảnh) - Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng về các ý kiến đóng góp cho dự thảo.

    PV: Thưa Hòa thượng, qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Hòa thượng tâm đắc nhất điều gì?

    Hòa thượng Tăng Nô: Qua nghiên cứu dự thảo, tôi đồng tình cao với nội dung dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, vừa được đưa ra lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tôi thống nhất với nội dung nhận định trong dự thảo báo cáo: “Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; qua đó, đời sống Nhân dân vùng có đông đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện, nâng cao”; “... tỉnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer trên 4%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 9.282 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,87%; trong đó, có 5.600 hộ nghèo Khmer, chiếm tỷ lệ 5,55%”; “...Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số; đến nay, đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh...”.


Hòa thượng Tăng Nô. Ảnh Q.K

    Bản thân tôi cũng nhận thấy, trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đã luôn quan tâm và thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, chăm lo, thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ cho đồng bào Khmer về nhà ở, đất ở, đất sản xuất; bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào Khmer giảm đáng kể.

    Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, nhiệm kỳ qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer được tỉnh quan tâm thực hiện khá tốt. Đối với sinh hoạt tôn giáo cũng được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện, để những người theo đạo được sinh hoạt bình thường và đúng theo giáo luật và pháp luật. Những người có đạo, bà con phật tử cũng đã có những hoạt động thiết thực như: Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, thay đổi cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp trong thời gian giản cách xã hội để chung tay phòng, chống Covid-19.

    Trong 5 năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh cũng luôn quan tâm phát triển sự nghiệp và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer; hệ thống các trường dân tộc nội trú. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách cử tuyển, hỗ trợ học sinh dân tộc Khmer; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc Khmer… Qua đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng.

    PV: Trong định hướng nhiệm kỳ 2020-2025, Hòa thượng có góp ý gì cho dự thảo Báo cáo chính trị?

    Hòa thượng Tăng Nô: Tôi đồng tình cao với mục tiêu phát triển, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 đã nêu trong dự thảo. Tuy nhiên theo tôi, trong chương trình hành động của nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện các chính sách, giải pháp đồng bộ để chăm lo tốt hơn cho cuộc sống của đồng bào Khmer trong tỉnh, vì mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer vẫn còn cao, chưa bền vững. Tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn, hướng dẫn áp dụng KHKT, đào tạo nghề, tạo việc làm... tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Tập trung phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí; làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer.

    Tôi cho rằng trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh cũng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc Khmer để công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng đến với đồng bào Khmer thiết thực và hiệu quả hơn; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, chính sách về an sinh xã hội nhằm nâng cao mức sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh. Song song đó, các cấp ủy cần đặc biệt lưu tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo; không để kẻ xấu lợi dụng các vấn đề về dân tộc, tôn giáo để âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân. Đồng thời, không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng để xây dựng và phát triển quê hương Sóc Trăng.

Quốc Kiên (Thực hiện)



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 782
  • Trong tuần: 70,115
  • Tất cả: 11,864,142